Các căn bệnh chó Alaska thường mắc phải. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả cho thú cưng của bạn.

Giống chó Alaska Malamute hiện đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Chúng có sức khỏe khá tốt, không kén ăn nhưng đôi khi cũng hay mắc những căn bệnh phổ biến. Tuy không quá nguy hiểm nhưng cũng khiến chủ nuôi phải phiền lòng.

Bài viết dưới đây, trung tâm huấn luyện chó TPHCM Thiên Khuyển sẽ chia sẻ đến bạn các bệnh hay gặp phải ở chó Alaska. Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị. Bạn có thể tham khảo để biết cách phòng tránh sao cho hiệu quả nhé!

Bệnh sốc nhiệt

Bộ lông chó Alaska có khả năng giữ nhiệt rất tốt. Đây là một bất lợi khi chúng sinh sống tại nơi có khí hậu nắng nóng như Việt Nam. Đã có nhiều trường hợp chó Alaska bị sốc  nhiệt và hậu quả để lại rất nghiêm trọng.

Bệnh sốc nhiệt rất hay gặp khi chó Alaska sinh sống tại Việt Nam

Nguyên nhân gây bệnh

  • Chó Alaska vận động thể lực mạnh trong thời tiết nắng nóng 38-40 độ C. Cơ thể chúng không thể tỏa nhiệt khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, dẫn đến sốc nhiệt.
  • Thay đổi nhiệt độ quá đột ngột cũng là nguyên nhân gây nên bệnh sốc nhiệt. Nhiệt độ phòng điều hòa và ngoài trời quá chênh lệch khiến chó Alaska không thể thích nghi kịp.
  • Bệnh béo phì hay tim mạch ở chó Alaska cũng là nguyên nhân khiến chúng bị sốc nhiệt.

Biểu hiện của bệnh

  • Chó Alaska thở mạnh bằng mồm. Nhịp tim đập nhanh kết hợp với tiếng thở dốc. Chó Alaska ủ rũ, mệt mỏi.
  • Chó Alaska bắt đầu khó thở, đi đứng không vững, nôn ói, mắt trắng dã.
  • Lưỡi và lợi bắt đầu chuyển sang màu tím, người mềm nhũn, không sức sống.
  • Chó Alaska bị chảy máu mũi và rơi vào trạng thái hôn mê. Biểu hiện này tức là chú chó nhà bạn đang gặp nguy hiểm.

Phương pháp điều trị bệnh

Điều đầu tiên bạn cần làm khi thấy chó Alaska có các biểu hiện trên là tìm cách giảm nhiệt độ cơ thể của chúng xuống bằng các cách sau:

  • Nếu chó Alaska đang ở ngoài trời nắng thì lập tức bế chúng vào bóng râm – nơi thoáng mát và có cây xanh thì càng tốt.
  • Cho chó Alaska uống càng nhiều nước càng tốt. Sau đó, làm ướt cơ thể chúng bằng cách xịt nước hoặc phun sương.
  • Dùng khăn lạnh trải khắp cơ thể để làm mát. Không dùng nước quá lạnh có thể gây tác dụng ngược.
  • Dùng khăn lạnh lau phần đệm chân cho chó Alaska để kích thích sự tỏa nhiệt ra bên ngoài.

Sau khi thực hiện các bước sơ cứu đơn giản trên, bạn hãy nhanh chóng đưa chó Alaska đến cơ sở thú y gần nhất để điều trị kịp thời.

Cách phòng tránh bệnh

  • Không đưa chó Alaska ra ngoài giữa trưa nắng khi nhiệt độ ngoài trời quá cao. Tốt nhất, bạn chỉ nên dắt chúng đi chơi vào sáng sớm hoặc tối muộn khi nhiệt độ ngoài trời đã giảm.
  • Không nên thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Nếu cho chó Alaska ở phòng điều hòa thì cũng chỉ nên chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài 8-10 độ.
  • Tỉa lông hoặc cạo bớt phần lông rậm rạp của chó Alaska để giúp chúng có thể dễ dàng thoát nhiệt độ ra bên ngoài.
  • Sử dụng các bài tập huấn luyện chó để tăng sức khoẻ và sức đề kháng cho chó.

Bệnh viêm ruột

Bệnh viêm ruột không chỉ hay gặp ở chó Alaska mà còn có thể gặp ở bất kỳ giống chó cảnh nào. Chó Alaska trong độ tuổi từ 1-3 tháng là dễ mắc phải nhất do hệ tiêu hóa của chúng còn yếu.

Nguyên nhân gây bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh nhưng phải kể đến nguyên nhân chính là do các loại Virus như: virus gây bệnh care, virus gây viêm gan truyền nhiễm. Các loại vi trùng, ký sinh trùng như: Coli, Leptospira, Salmonoella. Ngoài ra, cũng có thể do chó Alaska ăn phải các loại thức ăn độc hại, khó tiêu hóa hoặc uống nước bẩn.

Biểu hiện của bệnh

  • Dấu hiệu hay gặp nhất ở bệnh này là hiện tượng tiêu chảy kèm theo nôn mửa. Trường hợp này, có thể chó Alaska bị viêm phần ruột non.
  • Chó Alaska có dấu hiệu đau đớn vùng bụng dưới, đau theo cơn kéo dài. Lúc này khả năng cao chó nhà bạn bị viêm ruột già.
  • Chó Alaska đi ngoài ra máu, phân lỏng có mùi tanh hôi khó chịu. Phân có màu bất thường, màu xanh đậm hoặc đen. Cơ thể chúng đã bị xuất huyết đường ruột.
  • Chó Alaska có biểu hiện đau bụng, bụng sôi sùng sục, bụng chướng to dù không ăn uống gì.

Phương pháp điều trị bệnh

Đầu tiên, khi chó Alaska mắc bệnh viêm ruột thường tiêu chảy và mất nước rất nhiều. Bạn nên bù nước cho chúng bằng cách truyền dịch và chất điện giải. Nếu chó nhà bạn không cho truyền thì bắt buộc phải bắt chúng uống trực tiếp. Hãy tìm ra nguyên nhân của bệnh viêm ruột. Nếu là do thức ăn thì cho ngừng ăn trong vòng 24h đầu để theo dõi.

Một số loại thuốc điều trị như sau:

  • Nếu chó Alaska bị nôn mửa thì dùng Anticholinergic và thuốc an thần như Chlopromazin hoặc Metoclopramil.
  • Nếu chó Alaska bị đau bụng quằn quại thì có thể dùng thuốc giảm đau như Perimidine
  • Nếu bị tiêu chảy thì cho ống một số loại thuốc như hỗn hợp Kaolin và Pectin, hoặc Bismuth Subcarbonate ….
  • Nếu nghi ngờ là là do virus, vi khuẩn, nấm thì nên dùng các loại kháng sinh thông thường như Kanamixin, Têtramixin.
  • Khi điều trị có thể cho chúng uống thêm các loại thuốc bổ trợ như vitamin B1, Bcomlex, ADE Bcomlex để nâng cao sức đề kháng cho chó Alaska.

Bạn nên lưu ý những loại thuốc trên không được tự ý dùng linh tinh, phải theo đơn và liều lượng do bác sĩ thú y kê.

Cách phòng tránh bệnh

Một nguyên tắc bất di bất dịch là nguyên nhân ở đâu thì tìm cách phòng tránh ở đó. Nếu nguyên nhân gây bệnh do thức ăn thì bạn nên xem lại khẩu phần ăn hằng ngày của chó Alaska đã hợp lý chưa. Thức ăn, nước uống có đảm bảo không? Bát ăn, khay đựng có sạch sẽ không?

Một lưu ý là tuyệt đối không cho chó Alaska ăn đồ ôi thiu, mốc hỏng, thức ăn thừa, hết hạn sử dụng, … Chó Alaska nhỏ thì không cho xương hay đồ ăn tươi sống khi hệ tiêu hóa còn kém. Khi đi ra ngoài thì nên rọ mõm lại để đề phòng trường hợp chúng ăn phải rác thải hay uống nước bẩn.

Còn nếu nguyên nhân là do các loại virus thì chỉ còn cách tiêm phòng mới có thể phòng tránh được. Bạn nên đưa chúng đi tiêm phòng theo đúng lộ trình ngay từ khi còn nhỏ.

Bệnh rận ký sinh trên lông

Đây là bệnh hay gặp nhất ở những giống chó có bộ lông dài và rậm rạp như Alaska. Bộ lông của Alaska chính là môi trường lý tưởng nhất để các loại rận ký sinh và sinh sản.

Bộ lông chó Alaska là nơi trú ẩn ưa thích của của các loại rận

Rận ký sinh ở chó Alaska có 2 loại:

  • Rận ăn lông: Trichodectes canis, Trichodectes latus Heterodoxus spiniger. Đúng như tên gọi, loại rận này chỉ ăn lông chứ không hút máu nên không ảnh hưởng quá lớn đến chó Alaska.
  • Rận hút máu: Tên gọi là Linognathus selosus. Chúng ký sinh và sinh sản trên da của chó Alaska. Loại rận này hút máu và ăn chất dinh dưỡng trên người ký chủ nên nếu không triệt tận gốc, chó Alaska nhà bạn sẽ ngày càng gầy gò, ốm yếu.

Biểu hiện chó Alaska bị rận ký sinh

Đầu tiên, nếu có rận ký sinh trên cơ thể, chó Alaska sẽ cực kỳ ngứa ngáy và khó chịu. Bạn sẽ thấy chúng gãi ngứa, cào cấu, gặm liếm lông thường xuyên, thậm chí rên rỉ và tỏ ra cực kỳ bực bội. Các loại rận này thường tập trung ở các khu lông dày và rậm rạp như: vùng cổ, lưng, vành sau tai chó Alaska.

Nếu là loại rận ăn lông thì không ảnh hưởng lắm ngoài việc thiếu thẩm mỹ, gây rụng lông lỗ chỗ. Còn loại hút máu, nếu ký sinh quá nhiều sẽ khiến chó Alaska kém ăn, chậm lớn, vết đốt gây viêm biểu bì, bao lông, gây ngứa ngáy. Nhất là khi rận cái sinh sản chúng có thể hút hết 0.5ml máu từ cơ thể chó Alaska.

Phương pháp điều trị bệnh

Bệnh rận ký sinh rất hay gặp ở chó Alaska, bạn không nhất thiết phải đưa chúng đến bác sĩ thú y. Chỉ cần ra ngoài hiệu thuốc hỏi các loại thuốc trị bệnh rận, sau đó sử dụng theo hướng dẫn là được.

Các loại thuốc có thể dùng điều trị như:

  • Bayticol (flumethrin 6%):  Pha 1ml thuốc cùng 2 lít nước, sau đó xịt lên người chó Alaska. Hoặc đơn giản nhất có thể tắm trực tiếp cho chúng. Bạn phải thực hiện đều đặn trong vòng 15 ngày liên tiếp đến khi hết hoàn toàn. Lặp lại 2-3 tháng một lần để đề phòng trường hợp rận ký sinh trở lại.
  • Sử dụng vòng đeo cổ Preventef (diazenon) trừ được các loại ve, bọ chét, rận trong khoảng 3-4 tháng.

Cách phòng tránh bệnh

Để phòng tránh bệnh này, cách hiệu quả nhất là bạn phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho chó Alaska. Từ khu vực chuồng trại, nơi ngủ nghỉ, khu vui chơi, tất cả đều phải khô thoáng, sạch sẽ, không ẩm mốc, hôi hám.

Bạn cũng nên tắm rửa cho chó Alaska thường xuyên. Dùng các loại sữa tắm, dầu gội dành cho chó để làm sạch lông cho chúng. Khi tắm xong nên sấy khô lông, tránh tình trạng để ẩm ướt, bốc mùi. Bạn cũng nên cắt tỉa lông cho chó Alaska gọn gàng, sạch sẽ vì các loại rận rất thích ký sinh tại những khu vực lông rậm rạp.

Bệnh Care

Care là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nếu chó Alaska không may mắc phải. Nó gây tác hại đến nhiều mặt như: hệ thần kinh, hệ hô hấp, da và hệ tiêu hóa. Trong đó, hệ tiêu hóa có thể bị phá hủy hoàn toàn nếu không biết cách chữa trị kịp thời. Bệnh Care có thể gặp ở bất kỳ giống chó nào và độ tuổi nào nếu chúng chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Bệnh Care là nguyên nhân giết hại rất nhiều chó Alaska trên Thế Giới

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh phát triển là do một loại virus thuộc nhóm Paramyxovirus xâm nhập vào cơ thể chó Alaska và sinh sôi. Các hệ thống tiêu hóa, hô hấp và da sẽ bị chúng tấn công đầu tiên. Khi loại virus này xâm nhập vào, chúng sẽ phát triển ở mô bạch huyết đường hô hấp. Sau đó nhiễm vào máu và virus tiếp tục nhân lên ở mô bạch huyết của các cơ quan khác.

Mầm bệnh được thải ra qua dịch tiết mắt mũi, nước bọt, phân, nước tiểu và có thể lây lan nhanh chóng nào nếu nhà bạn nuôi cả một đàn chó. Đây cũng là căn bệnh nguy hiểm, giết hại rất nhiều chó Alaska trên Thế Giới nếu chúng chưa được tiêm phòng.

Các triệu chứng bệnh hay gặp

Chó Alaska trong giai đoạn từ 2 tuần tuổi – 12 tháng tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh Care nhất. Triệu chứng đầu tiên là sốt cao, có thể lên tới 40 độ C, sốt kéo dài khoảng 1-2 ngày lại hết sốt, sau đó lại sốt lại và kéo dài hơn đợt sốt đầu tiên. Lúc này virus gây bệnh care đang bắt đầu tấn công hệ hô hấp nên mới gây nên tình trạng sốt như thế.

Triệu chứng tiếp theo là bỏ ăn, nôn mửa, đi ngoài ra máu, phân lỏng và có mùi hôi. Triệu chứng này cho thấy, virus đang bắt đầu tấn công hệ tiêu hóa của chó Alaska. Nếu không có kinh nghiệm, bạn có thể nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh viêm ruột.

Ở những trường hợp nặng, tức là virus đã tấn công lên hệ thần kinh, người ta sẽ thấy chó Alaska có những biểu hiện như: hoảng loạn, lo lắng, run từng cơn, bốn chân co giật từng nhịp. Nếu không biết cách sơ cứu kịp thời, chú chó có thể bị liệt hoặc mang dị tật thần kinh.

Một số trường hợp khác có thể xuất hiện mụn trên da, phân bố khắp cơ thể. Mụn ban đầu nhỏ, sau đó tan dần và vỡ ra, gây lở loét. Ngoài ra, da lòng bàn chân chó Alaska khi mắc bệnh cũng dầy và cứng hơn, khi ta sờ tay vào cảm giác rất nhám. Các triệu chứng này chỉ xuất hiện khi bệnh care đã lây lan đến da.

Phương pháp điều trị bệnh Care

Bệnh Care ở chó Alaska phát hiện sớm thì khả năng trị được bệnh sẽ cao hơn. Còn nếu virus đã tấn công vào hệ thần kinh thì 100% chó Alaska sẽ bị mang tật. Một số cách điều trị như sau:

  • Nếu chó Alaska có triệu chứng sốt thì cho uống ngay thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau. Dùng thêm thuốc Atropine để ngăn chặn chúng phát triển đến hệ tiêu hóa.
  • Dùng thêm thuốc kháng sinh để tránh cho chó Alaska bị nhiễm trùng thứ phát.
  • Thuốc Streptomycine 5­10 mg/kg, ngày hai lần dùng theo đường tiêm.
  • Kanamycin 10­20 mg/kg một ngày bốn lần cho uống, hoặc 5­7,5 mg/kg ngày hai lần nếu tiêm.
  • Truyền dịch: dung dịch nước điện giải, thuốc bổ, và thuốc chống co giật.

Tốt hơn hết, nếu không có kinh nghiệm chữa trị thì hãy đưa ngay chú Alaska nhà bạn đến bác sĩ thú y để được chữa trị kịp thời. Hoặc nếu có dùng thuốc thì nên có sự hướng dẫn của bác sĩ. Dùng không đúng liều lượng có thể rất nguy hiểm.

Cách phòng tránh bệnh

Như đã nói ở trên, cách duy nhất phòng tránh bệnh Care là phải tiêm vacine đầy đủ cho chó Alaska. Bệnh này 90% hay gặp ở những chú chó chưa từng tiêm phòng. Bạn có thể bắt đầu tiêm khi chó Alaska đủ 6 tuần tuổi. Cách 3-4 tuần lặp lại một lần cho đến khi chúng được 16 tuần tuổi.

Sau đó, vacine sẽ được lặp lại hằng năm. Bạn nên nhớ đưa chó Alaska đi tiêm phòng đầy đủ. Ở bất kỳ bệnh viện hay trung tâm thú y nào cũng có vacine tiêm phòng bệnh Care. Bạn chỉ cần đưa chó Alaska đến đăng ký lịch tiêm phòng là được.

Lời kết

Trên đây là một số bệnh hay gặp ở chó Alaska mà Thiên Khuyển nghĩ rằng, bất kỳ người chủ nào cũng nên nắm rõ để biết cách phòng tránh cho hiệu quả. Hy vọng, bạn sẽ nuôi dạy và chăm sóc bé Alaska của mình khỏe mạnh nhất.