Xếp hạng đầu trong danh sách những giống chó với sức mạnh vượt trội, Pitbull được biết đến như “chúa tể” của những dòng chó chiến. Chúng sở hữu thân hình săn chắc, cơ bắp cuồn cuộn, đôi mắt nhạy bén và hàm răng sắc nhọn. Ngày nay, Pitbull đã được thuần hóa và nuôi dưỡng như thú cưng trong các hộ gia đình.
Với những ai muốn sở hữu một bé cún Pitbull thì chắc hẳn sẽ quan tâm tới những vấn đề như: Cách chăm sóc Pitbull khỏe mạnh, cách huấn luyện cún… Bài viết dưới đây, trung tâm huấn luyện chó Thiên Khuyển sẽ tổng hợp những thông tin thú vị về giống chó Pitbull cho những ai đang có ý định nuôi chúng.
Nguồn gốc xuất xứ của giống chó Pitbull
Nguồn gốc tên Pitbull
Chó Pitbull (Dog Pitbull) là kết quả của quá trình lai tạo giữa hai giống chó Bulldog và Terrier. Chúng bắt đầu được nhân giống tại Mỹ từ đầu Thế kỷ 19. Ban đầu, Pitbull được nhân giống với mục đích tạo ra dòng chó chiến với sức mạnh tuyệt đối. Chúng được sử dụng để tham gia các cuộc đấu đẫm máu “bull-bear baiting” do người bản địa tổ chức.
Pitbull sẽ phải chiến đấu sống còn với một con bò tót hoặc một con gấu to lớn. Đây được coi là trò chơi tàn bạo, vô nhân đạo, vi phạm bộ luật bảo vệ động vật của người phương Tây. Đến tận năm 1935, nước Mỹ mới hoàn toàn cấm trò chơi này.
Từ những cuộc đấu đó, người ta đặt cho chúng cái tên Pitbull: Pit nghĩa là chiến đấu, Bull là những con bò. Pitbull có nghĩa là “kẻ dám chiến đấu với bò tót” (Người Việt hay gọi chúng là Pitbull, Big bull, chó Pull hay chó Pít).
Thực ra, Pitbull không hẳn là tên riêng của một giống chó. Nó được dùng để gọi những giống cảnh khuyển có ngoại hình tương tự nhau, cùng một tổ tiên chung bao gồm: American Pit Bull Terrier, Bull Terrier, American Staffordshire Terrier và Staffordshire Bull Terrier.
Hai giống American Pitbull Terrier và American Staffordshire Terrier có thể coi là một. Chỉ có điều American Staffordshire Terrier được lai tạo và thuần hóa để làm thú cưng. Còn American Pitbull Terrier được huấn luyện để bảo vệ, canh gác hoặc làm chó chiến.
Lịch sử ra đời giống chó Pitbull
Pitbull xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 18 tại Anh, Ireland và Scotland. Đầu thế kỷ 19, chúng được những người Anh đem sang Mỹ dùng cho công việc canh gác tại các trang trại, giữ nhà hoặc săn bắt thú rừng. Người Mỹ ngay lập tức nhận ra sức mạnh của những anh bạn khỏe mạnh này. Họ tiến hành lai tạo chúng với những dòng chó bản địa để tạo ra giống Pitbull to lớn, khỏe mạnh và hung dữ hơn nhiều so với phiên bản Pitbull Anh.
Lịch sử ra đời giống chó Pitbull
Vào thời điểm đó, Pitbull được coi là giống chó mạnh và hung dữ nhất trên Thế Giới. Chúng được huấn luyện để tham gia các cuộc chiến đẫm máu. Tuy nhiên, sau năm 1935, những cuộc chiến này bị cấm, Pitbull được thuần hóa, trở nên hiền lành hơn. Chúng chủ yếu được nuôi để bảo vệ, canh gác hoặc làm thú cưng.
UKC (Tổ chức về chó cảnh ở Mỹ) đã công nhận Pitbull là giống chó riêng vào năm 1898 với tên gọi American Pitbull Terrier. Tuy nhiên, đến năm 1930, chúng lại được AKC (Hiệp hội chó giống Mỹ) đổi tên thành American Staffordshire Terrier. Pitbull đứng đầu danh sách những giống cảnh khuyển nguy hiểm nhất trong tổng số 400 giống chó trên Thế Giới hiện nay.
Phân loại chó Pitbull
Như Thiên Khuyển có đề cập ở trên thì chó Pitbull không phải là một giống chó đơn lẻ mà là tên gọi chung cho một nhóm các giống chó khác nhau, bao gồm American Pit Bull Terrier, American Staffordshire Terrier, Staffordshire Bull Terrier, và Bull Terrier. Mỗi loại chó Pitbull có những đặc điểm ngoại hình và tính cách riêng biệt. Dưới đây là phân loại chi tiết và đặc điểm tính cách của từng loại chó Pitbull:
1. American Pit Bull Terrier
Đặc điểm ngoại hình:
- Kích thước: American Pit Bull Terrier thường có chiều cao từ 45-55 cm và cân nặng từ 15-30 kg.
- Cơ thể: Thân hình mạnh mẽ, cơ bắp, nhưng vẫn rất linh hoạt. Chúng có ngực rộng và bắp đùi săn chắc.
- Lông: Lông ngắn, mượt, dễ chăm sóc với nhiều màu sắc như trắng, nâu, đen, xám, hoặc phối màu.
Đặc điểm tính cách:
- Trung thành: American Pit Bull Terrier nổi tiếng về sự trung thành đối với gia đình chủ nhân. Chúng luôn sẵn sàng bảo vệ người thân, thậm chí sẵn sàng hy sinh nếu cần.
- Năng động: Chúng có rất nhiều năng lượng và cần được tập thể dục thường xuyên. Đây là giống chó thích hợp cho những người yêu thích hoạt động ngoài trời.
- Thông minh và dễ dạy: American Pit Bull Terrier rất thông minh, dễ học các bài huấn luyện và thường thích hợp cho các hoạt động thể thao hoặc thử thách trí tuệ.
- Hòa đồng với người: Nếu được xã hội hóa từ nhỏ, chúng có thể rất thân thiện và hoà đồng với người lạ cũng như trẻ em.
2. American Staffordshire Terrier
Đặc điểm ngoại hình:
- Kích thước: American Staffordshire Terrier có kích thước tương đối lớn hơn một chút so với American Pit Bull Terrier, với chiều cao khoảng 43-48 cm và cân nặng từ 25-40 kg.
- Cơ thể: Chúng có thân hình rất săn chắc, cơ bắp vạm vỡ và đầu lớn với hàm răng khỏe mạnh.
- Lông: Bộ lông ngắn và mượt, màu sắc đa dạng như trắng, nâu, xám, và đôi khi là phối màu.
Đặc điểm tính cách:
- Tự tin và dũng cảm: American Staffordshire Terrier có tính cách mạnh mẽ, tự tin và dũng cảm. Chúng luôn bảo vệ gia đình và tỏ ra gan dạ trong những tình huống nguy hiểm.
- Thân thiện: Loài này rất thân thiện với con người, đặc biệt là khi được nuôi dạy trong một môi trường xã hội tốt. Chúng thường rất dịu dàng và chơi đùa an toàn với trẻ em.
- Kiên nhẫn: Giống chó này nổi bật với sự kiên nhẫn, đặc biệt là khi đối mặt với những thử thách huấn luyện. Chúng không dễ bị hoảng sợ hay bỏ cuộc.
- Cần xã hội hóa sớm: American Staffordshire Terrier cần được xã hội hóa từ nhỏ để tránh trở nên quá bảo vệ hoặc hung hăng với người lạ hoặc động vật khác.
3. Staffordshire Bull Terrier
Đặc điểm ngoại hình:
- Kích thước: Staffordshire Bull Terrier có kích thước nhỏ hơn so với American Pit Bull Terrier, với chiều cao từ 35-40 cm và cân nặng từ 11-17 kg.
- Cơ thể: Chúng có thân hình thấp, chắc khỏe và cơ bắp vạm vỡ. Đầu của chúng rộng và hàm khỏe.
- Lông: Bộ lông của Staffordshire Bull Terrier cũng ngắn và mượt, dễ chăm sóc. Màu sắc đa dạng, bao gồm nâu, đen, trắng, và pha trộn.
Đặc điểm tính cách:
- Thân thiện và yêu thương: Staffordshire Bull Terrier có tính cách rất thân thiện, yêu thương và hòa đồng, đặc biệt là với trẻ em. Chúng thường được gọi là “chó bảo mẫu” vì khả năng chăm sóc trẻ em tuyệt vời.
- Thông minh và ham học hỏi: Giống chó này có trí thông minh cao và rất dễ huấn luyện. Chúng thích tham gia vào các hoạt động thể thao và thường có xu hướng trở thành những chú chó phục vụ tuyệt vời trong gia đình.
- Bản năng bảo vệ: Staffordshire Bull Terrier rất yêu gia đình và có bản năng bảo vệ mạnh mẽ, nhưng chúng hiếm khi hung hăng nếu được xã hội hóa từ nhỏ.
- Năng lượng cao: Chúng có nhiều năng lượng và cần được tập thể dục thường xuyên để tránh các vấn đề hành vi do buồn chán.
4. Bull Terrier
Đặc điểm ngoại hình:
- Kích thước: Bull Terrier có chiều cao từ 45-55 cm và cân nặng khoảng 22-38 kg, với những giống nhỏ hơn được gọi là Miniature Bull Terrier.
- Cơ thể: Chúng có thân hình khỏe mạnh, với phần đầu dài, mặt phẳng và hàm mạnh mẽ. Bull Terrier nổi bật với đôi mắt hình tam giác độc đáo.
- Lông: Lông của Bull Terrier ngắn, mượt và có màu sắc từ trắng tinh khiết đến những màu pha trộn như trắng-đen, nâu, hoặc đốm.
Đặc điểm tính cách:
- Vui vẻ và tinh nghịch: Bull Terrier là giống chó rất vui vẻ và năng động. Chúng thích chơi đùa và luôn tìm cách để làm vui lòng chủ nhân. Tính cách của chúng khá hoạt bát và đôi khi có phần nghịch ngợm.
- Bướng bỉnh: Bull Terrier có thể khá bướng bỉnh và đòi hỏi sự kiên nhẫn trong quá trình huấn luyện. Tuy nhiên, với sự thông minh và tính cách độc đáo, chúng có thể trở thành những người bạn đồng hành tuyệt vời nếu được dạy dỗ đúng cách.
- Cần sự chú ý: Giống chó này thích được chú ý và có thể trở nên buồn chán nếu không nhận được đủ tình cảm và sự quan tâm từ chủ nhân.
- Xã hội hóa sớm: Bull Terrier cần được xã hội hóa sớm để tránh trở nên quá bảo vệ hoặc hung hăng với những loài vật khác, đặc biệt là khi chúng sống trong môi trường có nhiều thú cưng.
Đặc điểm ngoại hình của giống chó Pitbull thuần chủng
Chiều cao, cân nặng
Pitbull là giống cảnh khuyển có kích cỡ thân hình trung bình, thuộc loại vừa và nhỏ. Chiều cao, cân nặng vào độ tuổi trưởng thành của chúng như sau:
- Chiều cao: 45-60cm.
- Cân nặng: 18-32kg.
Thân hình chó Pitbull
Những anh bạn Pitbull sở hữu thân hình săn chắc với cơ bắp cuồn cuộn và khung xương vững chãi. Phần hông và cơ ngực nở nang, phần bụng hóp sâu. Đuôi Pitbull nhỏ, ngắn, dựng thẳng đứng hoặc cuộn tròn trên lưng.
Bốn chân Pitbull khá ngắn. Chúng có hai chân trước nhỏ và thẳng. Hai chân sau hơi cong nhẹ với bó cơ đùi săn chắc tạo cho chúng những bước đi thanh thoát, uyển chuyển, có thể tăng tốc linh hoạt trong bất kỳ trường hợp nào. Nhìn chung, giống cảnh khuyển này sở hữu một vẻ đẹp sức mạnh, khỏe khoắn.
Khuôn mặt Pitbull trông khá lầm lì và hung dữ. Đôi mắt chúng đỏ ngầu, trợn ngược, đôi tai tam giác dựng thẳng. Trán và gò má Pitbull to gồ ghề. Phần mõm dài, chảy xệ, hơi xếch lên trên một chút để lộ hàm răng sắc cùng chiếc lưỡi đỏ ứng. Giống cảnh khuyển này đặc biệt hay cau mày, chúng khiến người đối diện khiếp sợ chỉ bằng một cái nhìn.
Hàm và lực cắn của chó Pitbull
Giống chó Pitbull sở hữu một hàm răng đều, dài và cực kỳ sắc nhọn. Chúng có thói quen đã cắn một vật gì đó sẽ nhai nát và ngấu nghiến khá lâu mới buông tha.
Cảnh khuyển Pitbull sở hữu cơ hàm khỏe mạnh có cấu tạo được ví như một khớp khóa. Một khi đã nằm trong đó thì không thể thoát ra ngoài. Lực cắn của Pitbull có thể lên tới 250 pounds/inch vuông, tương đương 106.5kg. Chúng có thể giết chết bất kỳ giống chó cảnh nào chỉ bằng một nhát cắn, ngay cả Becgie Đức GSD cũng không phải đối thủ.
Cơ hàm và lực cắn của chúng mạnh đến nỗi một chú chó Pitbull trưởng thành có thể dùng hàm đu mình trên dây 30 phút không biết mệt. Thậm chí tại Mỹ đã từng ghi nhận trường hợp, một chú cún Pitbull dùng cơ hàm kéo theo một chiếc xe 4 bánh di chuyển. Với sức mạnh như thế, những anh bạn này được ví như một chiến binh bất bại, không khuất phục trước bất kỳ điều gì.
Bộ lông chó Pitbull
Pitbull có bộ lông ngắn và khá cứng. Phần lông ôm sát cơ thể để lộ những bó cơ săn chắc. Màu lông của chúng rất đa dạng, có thể là màu đơn sắc hoặc đa sắc do được lai tạo từ 2 giống chó là Bulldog và Terrier. Những màu lông phổ biến của Pitbull bao gồm: Màu đen, nâu, xám, nâu đỏ, trắng xám, đen trắng,… Pitbull được coi đẹp là những bé cún có khoang màu, màu lông như vậy được rất nhiều người yêu thích.
Đặc điểm tính cách của chó Pitbull
Giống chó thông minh và trung thành
Pitbull thông minh là điều không phải bàn cãi. Chúng học hỏi nhanh nên việc nhớ những câu lệnh khá dễ. Pitbull có thể học hỏi những bài tập huấn luyện chó Pitbull từ cơ bản đến nâng cao một cách dễ dàng.
Pitbull cực kỳ trung thành với gia đình chủ. Chúng sẵn sàng bảo vệ đến chết khi chủ nhân gặp nguy hiểm. Đây được coi là đặc điểm tính cách nổi trội nhất của giống cảnh khuyển này. Khả năng bảo vệ và canh gác của Pitbull không ai có thể phủ nhận.
Giống chó hiền hòa và thân thiện?
Một bé Pitbull lớn lên với sự dạy dỗ và huấn luyện bài bản sẽ sinh sống khá tốt với con người. Chúng có thể chơi đùa cùng trẻ em và những chú cún khác trong gia đình. Pitbull sẽ tấn công khi bị trêu tức hoặc nhận thấy sự nguy hiểm từ phía bạn.
Tính thân thiện luôn ẩn nấp trong anh bạn Pitbull này. Bạn cần biết cách khai thác nét tính cách hiền dịu đó và kiềm hãm tính hung hăng của cún lại là được.
Giống chó hiếu chiến
Pitbull ban đầu là giống chó hiếu chiến với khả năng chiến đấu đỉnh cao. Khi đã xông vào cuộc đấu, chúng cuồng điên và bất cần đến mức sẵn sàng tấn công đến chết dù đối thủ có to gấp 2, gấp 3 lần. Pitbull ít khi bại trận, chúng sở hữu sức mạnh bền bỉ và sự dẻo dai, không gì có thể khuất phục được.
Những anh bạn Pitbull có thể đối đầu trực diện với những con thú hung dữ như: Bò tót, chó sói, gấu rừng,… mà không nể sợ hay lùi bước. Khả năng chịu đựng của giống cảnh khuyển này lớn đến mức chúng gần như không có cảm giác đau đớn và rất lì đòn, dù bị đánh chết cũng không buông tha con mồi.
Thêm một điểm đặc biệt nữa, Pitbull cực kỳ hiếu thắng và gan lỳ. Chúng không bao giờ tháo chạy hay bỏ cuộc trong một trận đấu. Giống chó này chỉ chấp nhận thua khi bị giết chết. Những chiến thắng của Pitbull đều do chúng tìm được chỗ hiểm trên cơ thể đối thủ. Một khi đã ngoạm chặt, chúng sẽ nghiến hàm và nhai nát điểm chí mạng đó cho đến khi con mồi bất động mới chịu nhả ra.
Ngày nay, tính hiếu chiến của Pitbull đã giảm đi rất nhiều. Do người ta không còn dùng chúng cho các cuộc chiến mà chủ yếu được nuôi trong gia đình để canh gác và bảo vệ. Nhưng dù sao tính hiếu chiến cũng là bản năng của giống cảnh khuyển này, bạn phải thật cẩn thận trong quá trình nuôi dạy chúng.
Giống chó hung dữ và nguy hiểm
Pitbull được xếp hạng đầu (cùng với Ngao Tây Tạng) trong danh sách những giống chó nguy hiểm nhất đối với con người. Sự nguy hiểm của chúng thể hiện ở chỗ, một khi đã cắn vật nào đó, chúng sẽ cắn nát và giay nghiến đến chết mới chịu buông tha.
Tổ tiên của Pitbull là giống chó hung dữ bậc nhất. Nhưng qua nhiều quá trình lai tạo và thuần hóa, những chú cún Pitbull ngày nay đã hiền dịu hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, những anh bạn Pitbull nguy hiểm là sự thật, bản tính sát thủ trong chúng luôn tồn tại. Bạn không nên cố ý chọc tức hay đánh đuổi giống chó cảnh này. Khi đã nuôi, bạn phải chấp nhận những rủi ro trong quá trình đào tạo và huấn luyện. Tốt nhất, khi chưa có kinh nghiệm, bạn không nên chọn nuôi Pitbull bởi chúng có thể gây nguy hiểm cho bạn và gia đình.
Môi trường sống của chó Pitbull
Pitbull cần được sống tại những nơi có không gian càng rộng lớn càng tốt. Chúng cần được chạy nhảy và luyện tập thường xuyên để thỏa mãn sức mạnh cơ bắp. Nếu bạn nuôi nhốt Pitbull, chúng sẽ dễ bị kích động, có những hành vi mất kiểm soát và trở lên cực kỳ nguy hiểm.
Mỗi ngày, lượng thức ăn mà Pitbull tiêu thụ có thể gấp 2 đến 3 lần người trưởng thành. Đồng nghĩa với việc, chúng cần giải phóng năng lượng thừa. Bạn nên chú ý dành nhiều thời gian huấn luyện và cho Pitbull chạy nhảy hàng ngày. Có lẽ, cuộc sống trong thành phố đông đúc và náo nhiệt không thích hợp cho giống chó này.
Nếu sống trong căn hộ hay chung cư, bạn phải bỏ ngay suy nghĩ muốn nuôi Pitbull. Giống cảnh khuyển này không phù hợp với những nơi đông người hay chật chội. Chúng có thể tấn công khi có quá nhiều người vây quanh hoặc cắn phá đồ đạc khi bị nhốt trong nhà. Môi trường sống cũng quyết định phần nào tính cách của Pitbull. Bạn nên tránh cho chúng sống ở môi trường có quá nhiều sự thù địch.
Một điều quan quan trọng nữa là bạn nên gửi đến các trường huấn luyện chó để dạy chó bớt hung dữ.
Thức ăn cho chó Pitbull
Pitbull là dòng chó chiến, hay vận động mạnh nên thức ăn cho chúng cần cung cấp một lượng đạm rất lớn. Những loại thịt có thể cung cấp nhiều chất đạm cho Pitbull là: Thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá…Nhiều khách hàng có điều kiện hơn thì có thể cho chó ăn các loại thịt hải sản cao cấp như cua, cồi sò điệp Nhật hoặc thậm chí là tôm hùm.
Loại thịt mà Pitbull thích ăn là thịt bò – nhiều đạm nhưng ít béo. Mỗi bữa, Pitbull có thể ăn 1-2 cân thịt bò. Để nuôi được giống cảnh khuyển này đòi hỏi bạn phải có điều kiện kinh tế tốt. Chỉ riêng tiền thức ăn đã tốn của bạn không dưới 50 triệu/năm.
Ngoài thịt bò, bạn có thể cho Pitbull ăn theo khẩu phần 12 chiếc cổ gà mỗi ngày, chia thành 2 bữa. Đây là thực đơn khuyến nghị nên dành cho những dòng chó chiến, giúp phát triển rất tốt các bó cơ, lại có thể luyện tập cơ hàm rắn chắc khi nhai. Bạn chỉ cần luộc sơ qua rồi cho Pitbull ăn là được.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung các chất dinh dưỡng khác cho Pitbull bằng các thực phẩm: Nội tạng, trứng vịt lộn, thịt lợn, rau củ quả, tôm, cua,… Bạn có thể cho Pitbull ăn cơm, nhưng thịt mới là thức ăn chính và bắt buộc phải cung cấp mỗi ngày cho cún.