Các bệnh thường gặp ở chó Becgie và cách điều trị

Các bệnh ở chó Becgie Đức

Chó Becgie Đức (German Shepherd) tuy sở hữu ngoại hình to lớn cùng sức khỏe dẻo dai nhưng cũng không tránh khỏi việc mắc một số căn bệnh hay gặp như: bệnh ho cũi, Parvo, Carre, dại, … Bệnh tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, sức khỏe chó Becgie Đức sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Tìm hiểu các bệnh thường gặp ở chó Becgie

Bài viết dưới đây là những chia sẻ của Thiên Khuyển về những căn bệnh hay gặp ở chó Becgie Đức. Nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách phòng tránh hiệu quả.

Top các bệnh hay gặp ở chó Becgie Đức

1. Bệnh viêm đường ruột

Đường ruột là căn bệnh phổ biến ở bất kỳ giống chó nào. Những chú Becgie con từ 2-4 tháng tuổi sẽ là đối tượng bị mắc nhiều nhất. Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng chó Becgie.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh viêm ruột được gây nên bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số nguyên nhân chính được xác định như sau:

  • Do chó Becgie ăn phải đồ ăn, nước uống có chứa vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn yếm khí (Clostridium), vi khuẩn E.Coli, … Các loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể chó Becgie sẽ trú ngự và phát triển trong hệ thống đường ruột. Chúng gây hại cho niêm mạc đường tiêu hóa, lâu dần gây bệnh viêm đường ruột cấp.
  • Do chủ nuôi cho chó Becgie con ăn thịt sống hoặc các loại đồ ăn khó tiêu hóa như: xương gà, xương bò, da lợn, mỡ bò, … Chó Becgie vô tình ăn phải đồ ăn mất vệ sinh, hết hạn sử dụng, nước uống bẩn, …
  • Do các loại virus care, parvo hay virus viêm gan truyền nhiễm xâm nhập vào cơ thể chó Becgie gây bệnh. Khi bệnh viêm ruột là do nguyên nhân này thì tính mạng chó Becgie nhà bạn đang gặp nguy hiểm.

Triệu chứng bệnh

  • Biểu hiện đầu tiên là chó Becgie ăn rất ít hoặc bỏ ăn. Chúng mệt mỏi, uống nhiều nước, sốt cao 39,5 – 40oC kèm theo những cơn run rẩy liên tục, huyết áp giảm.
  • Biểu hiện tiếp theo là hiện tượng tiêu chảy đi đôi với nôn mửa trong nhiều ngày. Dấu hiệu này cho thấy chó Becgie đang bị viêm nhiễm phần ruột non. Còn khi xuất hiện biểu hiện nặng như đau dữ dội vùng bụng dưới, bụng trướng to thì khả năng cao đã bị xuất huyết phần ruột già.
  • Do nôn mửa và tiêu chảy liên tục, chó Becgie bị mất nước nên mắt trũng, bụng thóp, da nhăn nheo. Mất nước còn nguy hiểm hơn bỏ ăn rất nhiều lần. Nếu chó Becgie không được điều trị kịp thời có thể chết sau một vài ngày.
  • Thời kỳ cuối của bệnh, chó Becgie khi đi vệ sinh sẽ có mùi tanh hôi khó chịu. Phân lỏng có màu bất thường như xanh đậm hay đen. Trường hợp nặng, chó Becgie đi ngoài ra máu, thân nhiệt giảm mạnh, nhịp tim tăng cao. Giai đoạn này chó không còn đi được nữa, khả năng chữa khỏi gần như không còn.

Cách điều trị

Để cách điều trị được hiệu quả, bạn cần tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh là gì? Với mỗi nguyên nhân khác nhau sẽ có cách chữa trị khác nhau. Một số cách điều trị bệnh viêm ruột được đưa ra như sau:

  • Khi phát hiện chó Becgie mắc bệnh đường ruột thì ngay lập tức cho chúng ngừng ăn trong vòng 24 giờ để ổn định lại hệ thống đường ruột. Cho chó Becgie ăn sẽ khiến bệnh càng trở nặng hơn. Thay vào đó cho uống nước càng nhiều càng tốt.
  • Nếu chó Becgie có triệu chứng  nôn thì dùng thuốc Anticholinergic và thuốc an thần như: Chlopromazin hoặc Metoclopramil. Xuất hiện triệu chứng tiêu chảy thì dùng một số loại thuốc hỗn hợp như: Kaolin và Pectin, hoặc Bismuth Subcarbonate ….
  • Khi chó Becgie bị tiêu chảy thì nên truyền dịch và chất điện giải cho chúng để bù lại lượng nước đã mất. Có thể cho dùng theo đường uống nếu chú chó nhà bạn không chịu cho truyền.
  • Nếu nguyên nhân là do các loại vi trùng, vi khuẩn gây viêm nhiễm thì nên dùng các loại thuốc kháng sinh thông thường như: Kanamixin hay Têtramixin.
  • Trong quá trình điều trị, hãy cho chó Becgie uống thêm các loại thuốc bổ, tăng cường hệ miễn dịch như: vitamin B1, Bcomlex, ADE Bcomlex. Trong thời gian chúng bị bệnh, cần phải chăm sóc và nuôi dưỡng thật tốt để nâng cao sức đề kháng.

Lưu ý: Nên dùng thuốc với liều lượng theo đơn của bác sĩ. Khi không có kinh nghiệm thì không nên tự ý chữa trị tại nhà. Hãy đưa chú Becgie của bạn đến phòng khám thú y để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Cách phòng tránh bệnh

Bệnh đường ruột hay gặp nhất ở chó Becgie dưới 6 tháng tuổi khi hệ thống tiêu hóa của chúng chưa hoàn thiện. Với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để biết cách phòng tránh cho hiệu quả:

  • Cho chó Becgie ăn chín uống sôi. Tuyệt đối không cho ăn thịt sống vì trong thịt sống chứa rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh cho đường tiêu hóa.
  • Không cho chó ăn thức ăn thừa, hết hạn sử dụng, nấm mốc. Bát ăn, khay uống cần được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần ăn. Nên rọ mõm chó Becgie khi cho ra ngoài đề phòng trường hợp chúng ăn phải rác thải hay uống nước bẩn.
  • Bắt đầu tẩy giun sán định kỳ cho chó Becgie khi chúng được 2 tuần tuổi. Cứ 3- 4 tháng tẩy lại 1 lần để tránh các loại giun móc ký sinh gây nên bệnh viêm ruột ở chó.
  • Nếu nguyên nhân là do các loại virus Carre, Parvo hay virus viêm gan thì chỉ tiêm phòng vaccine mới có thể phòng tránh chúng.
  • Cho chó Becgie đi khám sức khỏe định kỳ để rà soát bệnh.

2. Bệnh hạ bàn chân ở chó Becgie

Hạ bàn chân là căn bệnh hay gặp ở những giống chó có ngoại hình to lớn như Becgie. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi mắc phải, những chú chó sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển. Bệnh cũng gây ảnh hưởng lớn đến ngoại hình, làm giảm giá trị của chó Becgie đi rất nhiều.

Nguyên nhân gây bệnh

Có 3 nguyên nhân chính:

Nguyên nhân lớn nhất gây bệnh hạ bàn chân ở chó Becgie là do thiếu canxi trầm trọng khi  cơ thể chúng không tự tổng hợp được canxi (có thể vì thiếu vitamin D). Hoặc do chó Becgie bị nhốt trong nhà một thời gian dài, không hấp thụ được ánh sáng mặt trời tự nhiên để tổng hợp canxi trong cơ thể.

Nguyên nhân thứ hai, chó Becgie lười vận động, chỉ ăn và nằm một chỗ, cơ thể bị béo phì gây nên bệnh hạ bàn chân. Chủ chó lười dắt chúng ra ngoài đi dạo, nhốt trong chuồng trong một thời gian dài không cho chạy nhảy, nô đùa.

Nguyên nhân cuối cùng là do di truyền. Chó bố mẹ, ông bà đã từng mắc bệnh hạ bàn chân thì chó con sinh ra khả năng mắc bệnh cũng khá cao.

Triệu chứng bệnh

Chó Becgie gặp khó khăn khi di chuyển, dáng đi xiên xẹo, không đứng vững. Hai chân trước hoặc hai chân sau bị gập hẳn xuống. Khớp xương bị biến dạng hoàn toàn.

Những chú Becgie bình thường sẽ đứng bằng đệm bàn chân nhưng khi mắc bệnh hạ bàn, xương chân bị gập xuống, chúng sẽ đứng trên cả khớp chân. Trường hợp nặng, xương phần cổ chân có thể bị hạ gập hoàn toàn và chạm đất, gây đau đớn cho chó Becgie khi di chuyển.

Cách điều trị

Bệnh hạ bàn chân ở chó Becgie rất khó điều trị và gần như để lại tật suốt đời cho bất kỳ chú chó nào mắc phải. Thời gian điều trị bệnh cũng kéo dài, đòi hỏi sự kiên nhân của chủ nuôi. Đối với những chú Becgie nhỏ từ 2-6 tháng tuổi thì cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn. Chó càng lớn thì việc điều trị càng khó.

Phương pháp đơn giản điều trị khi chó Becgie bị hạ bàn như sau:

  • Tích cực dẫn chó đi dạo vào buổi sáng sớm vào khoảng thời gian 5h30 – 7h – thời điểm tốt nhất để chó Becgie có thể tắm nắng. Ánh nắng giúp cơ thể chúng hấp thu vitamin D, hỗ trợ tổng hợp canxi tốt hơn.
  • Khi chó Becgie bị hạ bàn, chúng thường nằm yên một chỗ vì di chuyển rất khó khăn. Chủ chó bắt buộc phải dẫn chúng ra ngoài cho luyện tập thể dục mỗi ngày. Bắt chúng đi lại, chạy nhảy để bệnh hạ bàn không trầm trọng hơn.
  • Bổ sung canxi cho chó bị hạ bàn bằng các loại thuốc viên, thuốc uống hoặc truyền canxi trực tiếp. Thay đổi khẩu phần ăn cho chó Becgie. Tăng cường thêm các loại thực phẩm bổ sung canxi như: phô mai, xương ống, sữa uống, ...
  • Chủ chó cũng nên thường xuyên nắn bóp chân cho chó Becgie. Hỗ trợ giúp chúng đứng bằng nệm bàn chân giống như những chú chó bình thường.

Cách phòng tránh

Để phòng tránh bệnh hạ bàn, chủ chó cần chú ý nhiều hơn đến quá trình chăm sóc chó Becgie hàng ngày. Phải biết cân bằng giữa các chất dinh dưỡng. Giảm lượng chất béo xuống và tuyệt đối không được thiếu canxi.

Ngoài ra, bạn cũng nên dành nhiều thời gian để đưa chó Becgie đi dạo thường xuyên. Mục đích là để tắm nắng và vận động. Tránh trường hợp nhốt trong nhà quá lâu. Nên nuôi chó Becgie tại những ngôi nhà có sân vườn rộng rãi để chúng có thể chạy nhảy bất cứ lúc nào. Giống chó to lớn như Becgie thì không nên nuôi ở những căn hộ nhỏ như chung cư.

3. Bệnh dại

Bệnh dại là một căn bệnh khá phổ biến và nguy hiểm tại Việt Nam. Một chú chó phát dại và cắn vào người có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Bệnh dại ở chó Becgie Đức
Bệnh dại ở chó Becgie Đức

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh là do virus dại thuộc họ Rhabrovirus gây nên. Chúng xâm nhập và tồn tại trong cơ thể chó Becgie từ 2-8 tuần sau đó mới phát bệnh ra ngoài. Nếu chó Becgie bị lây bệnh thông qua vết cắn thì thời gian ủ bệnh sẽ rút ngắn chỉ còn 10-15 ngày.

Bệnh dại có thể gặp ở bất kỳ loài động vật nào, kể cả con người. Bệnh thường gặp nhất là ở chó với 97%, các loài khác là 3%. Những loài động vật hoang dã như: chó sói, mèo rừng, cáo, … khả năng mắc bệnh dại là rất cao.

Triệu chứng bệnh

Bệnh dại ở chó Becgie thường được biểu hiện qua hai giai đoạn chính: thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ phát bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh

Chó Becgie bị nhiễm virus dại thường có thời gian ủ bệnh trong vòng 10-15 ngày. Bệnh trong giai đoạn này không có bất kỳ biểu hiện gì. Chó Becgie vẫn ăn uống, chạy nhảy và nô đùa như bình thường.

Việc chẩn đoán bệnh dại trong giai đoạn này thật sự khó khăn. Bạn chỉ có thể phát hiện khi đưa chúng đến bác sĩ thú y để kiểm tra. Phát hiện trong thời kỳ ủ bệnh khả năng chữa khỏi sẽ cao hơn.

Thời kỳ phát bệnh

Thời kỳ phát bệnh thường được chia thành 2 thể là: thể điên cuồng và thể bại liệt:

Thể điên cuồng với các biểu hiện: mắt đỏ ngầu, cằm trễ, chảy dãi, sùi bọt mép trắng xóa như bọt xà phòng. Tâm trạng chó bất thường, lúc bình thường, lúc lên cơn dữ dội, lao như điên vào người để cắn xé. Chó dại thường sợ gió, sợ nước, bỏ nhà đi lung tung, ăn bậy bạ, phát điên nhiều lần trong ngày.

Thể bại liệt với các biểu hiện nặng như: liệt bốn chân, liệt hàm (hàm trễ), lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do, nằm lì 1 chỗ. Sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên thì khoảng 3-5 ngày, chó Becgie mắc bệnh dại sẽ chết trong trạng thái bại liệt hoàn toàn.

Cách điều trị

Hầu hết chó Becgie mắc bệnh dại đều không thể chữa trị được. Tất cả trường hợp phát hiện bệnh đều đã ở trong giai đoạn nặng với những triệu chứng như: điên loạn, chảy dãi, bại liệt, … Cách tốt nhất đối với chó Becgie mắc bệnh dại là phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Bệnh dại có thể lây qua người nếu bị chó Becgie cắn. Trước khi đến bác sĩ thú y để thăm khám và tiêm phòng vacine, nên tìm cách sơ cứu tại chỗ để virus dại không ăn sâu vào máu. Một số cách sơ cứu khẩn cấp khi bị chó Becgie dại cắn như sau:

  • Để người bị chó cắn ngồi im tại chỗ, không được cử động mạnh. Trấn an tinh thần để người đó không bị hoảng loạn mà chạy nhảy lung tung.
  • Tiếp theo, bạn quan sát vết thương để biết được mức độ nguy hiểm. Vết thương có chảy máu không? Vị trí cắn ở đâu? Vết thương có sâu không?
  • Sau khi quan sát, rửa sạch vết thương bằng nước sạch cùng xà phòng diệt khuẩn. Dùng thêm oxy già hay nước muối rửa tiếp một lần nữa. Dùng bông sạch lau nhẹ nhàng, thấm khô vết thương để sát khuẩn.
  • Nếu vết thương bị chảy máu quá nhiều thì nên nâng cao vùng có vết thương. Đồng thời, lập tức dùng miếng vải sạch băng bó vết thương để cầm máu.
  • Sau khi hoàn thành việc sơ cứu cơ bản, bạn cần đưa ngay người bị chó cắn đến bác sĩ thú y để được theo dõi trong vòng 48 tiếng. Nếu xác định đã nhiễm virus dại thì sẽ được tiêm phòng liệu trình 3 mũi phòng tránh bệnh dại ở người.

Cách phòng tránh

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh dại là tiêm phòng vacine đầy đủ cho chó Becgie ngay khi chúng còn nhỏ. Chó khi được tiêm phòng 99% không còn lo sợ dại. Lộ trình tiêm được đưa ra như sau:

  • Tiêm lần đầu khi chó Becgie đủ 4 tuần tuổi. Lặp lại các mũi tiêm mỗi năm một lần để phòng tránh bệnh hiệu quả.
  • Nếu chó Becgie con được sinh ra từ chó mẹ đã được tiêm phòng thì thời điểm tiêm là khi chúng đủ 3 tháng tuổi. Vẫn cần nhắc lại mỗi năm một lần.

Khi dắt chó Becgie ra ngoài, bạn nên dùng rọ mõm và dây xích để kiểm soát chúng. Tuyệt đối không cho chạy rông ngoài đường. Tránh trường hợp chó Becgie tấn công và cắn người lung tung. Bạn không thể biết chắc chắn chú  Becgie nhà mình liệu có đang ủ bệnh dại hay không?

Một số bệnh khác ít gặp hơn ở chó Becgie

1. Bệnh ho cũi ở chó Becgie

Những chú Becgie con dưới 6 tháng tuổi với hệ miễn dịch yếu là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh thường phát triển khi thời tiết thay đổi, mưa nhiều gây ẩm ướt, nấm mốc. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, bạn có thể tiêm phòng để phòng tránh tốt hơn.

2. Bệnh ghẻ ở chó Becgie

Ghẻ là căn bệnh về da khá nguy hiểm. Nguyên nhân gây bệnh là do chó Becgie không được chủ nuôi giữ vệ sinh sạch sẽ hay tắm rửa thường xuyên dẫn đến virus ghẻ làm mủ trong da, gây ngứa ngáy khó chịu. Lâu dần, lông rụng nhiều dẫn đến trơ trụi rất mất thẩm mĩ. Bệnh ghẻ có thể phòng tránh bằng cách tiêm phòng.

3. Bệnh thiếu Vitamin ở chó Becgie

Một số loại vitamin quan trọng trong quá trình phát triển của chó Becgie bao gồm: B1, D, C. Khi bị thiếu vitamin, chó Becgie sẽ xuất hiện các triệu chứng chán ăn, gầy gò, giác mạc mờ đục, da mẩn đỏ, thiếu máu, rối loạn thần kinh. Để phòng tránh, bạn có thể bổ sung trực tiếp vitamin cho chó Becgie thông qua các loại thuốc uống. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng cần khoa học với đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.

4. Bệnh Care, Parvo

Đây là 2 căn bệnh nguy hiểm ở chó Becgie. Bệnh có thể giết chết bất kỳ chú chó nào mắc phải và là nỗi sợ hãi của rất nhiều chủ nuôi. Tuy nhiên, bệnh chỉ bắt gặp ở những chú chó chưa tiêm phòng. Bạn có thể phòng tránh 98% nếu tiêm phòng đầy đủ cho chó Becgie ngay từ khi chúng còn nhỏ.

Lời kết

Hi vọng, những thông tin bổ ích về một số căn bệnh hay gặp ở chó Becgie sẽ giúp bạn phần nào trong cách nuôi dạy chó Becgie khỏe mạnh nhất.

Đừng quên “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bạn nên duy trì một chế độ ăn uống và luyện tập đầy đủ cho chó Becgie. Việc gửi đến các trung tâm huấn luyện chó với nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi nấng và chăm sóc sẽ phát huy hết những tinh hoa của giống chó này.

Nếu có bất cứ thắc mắc gì bạn có thể để lại thông tin bên dưới để được đội ngũ của Thiên Khuyển tư vấn hoàn toàn miễn phí nhé.